Cuối tháng 6 vừa qua, 2 nhà máy phân bón lớn là Đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm) và Đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm) đã ngừng sản xuất để bảo dưỡng, gây nhiều âu lo cho các nhà quản lý và người dân về những biến động đối với thị trường phân bón, cụ thể là việc khan hàng, tăng giá sản phẩm...
Theo đó, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ tạm ngừng hoạt động 19 ngày (từ mùng 4 đến 22-7); cùng thời điểm Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng ngừng hoạt động để bảo dưỡng từ 1 đến 1,5 tháng. Sau thời gian bão dưỡng tổng thể, 2 nhà máy sẽ vận hành trở lại với 100% công suất.
Việc 2 nhà máy này tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng được dự báo ít nhiều sẽ tác động đến thị trường phân bón trong nước ngay trong vụ lúa hè thu, giá các mặt hàng phân bón vì thế sẽ tăng trở lại do thị trường thiếu hụt một lượng đáng kể trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, theo phân tích của Hiệp hội phân bón Việt Nam, nguồn cung sẽ thiếu hụt, nhưng các nhà máy vẫn còn một khối lượng hàng tồn kho đáng kể để cung cấp cho thị trường, sẽ giúp sự thiếu hụt trở thành không đáng kể, giữ giá phân bón nhích lên không nhiều.
Cũng trong thời điểm này, theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành phân bón trong nước những tháng đầu năm 2014 đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2013, sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật 4 tháng đầu năm 2014 sụt giảm 5,8%; doanh thu sụt giảm 10,6%; tồn kho lên đến 685.000 tấn phân các loại, trong đó có 138.000 tấn urê, tăng 900% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến tồn kho lượng phân bón lớn là do nhập khẩu tăng nhanh, trong khi năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đang dần được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, Vinachem đã đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu phân urê lên mức 7% và DAP lên 8% so với mức đang áp dụng hiện nay.
Theo dự kiến, Bộ Tài chính sẽ tăng thuế nhập khẩu ưu đãi từ 3% lên 6% đối với với mặt hàng phân ure và phân DAP (bằng mức trần cam kết WTO). Tuy nhiên, trước khi tăng thuế, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nông dân... về các mức điều chỉnh nói trên để "giảm sốc" đối với nhà sản xuất cũng như người tiêu thụ.
Nguồn: congluan.vn