Phân bón vụ hè thu: Giá sẽ tăng nhẹ
Trong tháng 7, khi chuẩn bị bước vào vụ hè thu thì cả hai nhà máy sản xuất urê công suất lớn là Đạm Cà Mau và Đạm Ninh Bình đều tạm dừng để bảo dưỡng định kỳ. Dự kiến, nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn, giá phân đạm có thể tăng nhẹ.
Bảo dưỡng hai nhà máy lớn
Theo thông tin từ nhà máy đạm Cà Mau (thuộc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), nhà máy đã chính thức tạm ngừng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng tổng thể, với thời gian 19 ngày.
Đợt bảo dưỡng định kỳ nhà máy Đạm Cà Mau sẽ diễn ra từ 04/07 đến hết ngày 22/7/2014. Trong thời gian bảo dưỡng, tập thể cán bộ, kỹ sư và chuyên gia tại Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ kiểm tra tổng thể hệ thống, sửa chữa các thiết bị, nâng cấp, cải tiến hệ thống công nghệ nhà máy nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo kế hoạch, đến ngày 21/7/2014, nhà máy sẽ vận hành trở lại và dự kiến đạt 100% công suất vào ngày 22/7/2014.
“Không hẹn mà gặp”, cùng thời điểm này, Nhà máy đạm Ninh Bình (thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình) cũng tiến hành bảo dưỡng từ cuối tháng 6. Thời gian bảo dưỡng toàn bộ dự kiến sẽ kéo dài khoảng 1 tháng đến 1 tháng rưỡi.
Vì thời gian bảo dưỡng kéo dài nên Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy đạm Ninh Bình cũng đã chuẩn bị một lượng hàng dự trữ phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
Giá phân bón sẽ tăng nhẹ
Từ đầu tháng 7, giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng trở lại, giá phân urea tăng từ 265-270USD/tấn lên tới 300-305USSD/tấn, hoạt động giao dịch sôi động bởi nhiều đơn hàng giao dịch mới. Trong nước, tại miền Bắc, hiện đang là cuối vụ Đông Xuân và bà con đang chuẩn bị cho vụ Hè Thu. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, bà con nơi đây cũng đang chuẩn bị bón phân đợt 2 cho lúa Hè Thu.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy - Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, dự kiến giá các loại mặt hàng phân bón sẽ tăng nhẹ trở lại sau khoảng một tháng nữa do nhu cầu chăm bón vụ Hè thu. Ông Thúy nhận định, đây chính là thời điểm các nhà máy cần sản xuất hàng để có lượng hàng chuẩn bị cho vụ Hè thu tới. Nhưng trong tháng 7 này, cả hai “đại gia” là đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm) và Đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm) đều dừng để bảo dưỡng dài hạn có thể sẽ khiến sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ hụt đi một lượng đáng kể. Như vậy, trong ngắn hạn, nguồn cũng có thể hơi thiếu hụt. Nhưng nhìn nhận theo một khía cạnh khác, đây cũng chính là một kênh để các nhà máy sản xuất ure trong nước giải quyết lượng hàng dự trữ trước đó, giảm áp lực tồn kho trong bối cảnh hiện tại.
Ông Nguyễn Hạc Thúy - Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam:
Về dài hạn, cả nước vẫn không lo có biến động về giá hay nguồn cung ure trên thị trường do hiện nay, nhà máy đạm Phú Mỹ (công suất 800.000 tấn/năm) và nhà máy đạm Hà Bắc (công suất 180.000 tấn/năm) vẫn đang hoạt động rất ổn định, cộng với lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp. Đồng thời, dự kiến vào cuối năm nay, dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc lên 500.000 tấn cũng sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.
Nguồn: Báo Công Thương